(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 9/8, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức phối hợp tổ chức hội thảo về “Bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Tham dự hội thảo, có: PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Viện trưởng Viện những vấn đề phát triển; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam Nguyễn Thị Sánh; Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung…
Hội thảo nhằm giúp các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà sáng tạo, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, cũng như thảo luận về cách thức triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam Nguyễn Thị Sánh, hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước xâp phạm bản quyền cao. Các tổ chức xã hội, cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn nhận thức rất han chế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Khi nền kinh tế chuyển sang kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức ngày càng phát triển khổng lồ theo cấp số nhân không thể được quản trị theo cách truyền thống, ngành quản trị tài sản trí tuệ của thế giới đã ra đời và phát triển rất nhanh. Thế nhưng đến nay, tại Việt Nam, sự nhận thức về xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ và xử lý sai phạm khi có sự sao chép tài sản trí tuệ vẫn còn rất ít người thực sự quan tâm đúng mức. Việc vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là quyền sao chép tác phẩm ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách công khai, hiển nhiên, mọi lúc, mọi nơi với tất cả các loại hình tác phẩm, kể cả ở môi trường vật lý cũng như trên môi trường số, từ việc photocopy, downloads tài liệu trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu đến sao chép, đánh cắp ý tưởng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội… Thực trạng này không những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn lực của đất nước, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TPHCM Đoàn Hoài Trung cho rằng lĩnh vực nhiếp ảnh đang bị xâm phạm về bản quyền nhiều nhất, dễ dàng nhất với muôn hình vạn trạng: tự ý sử dụng ảnh cho sản phẩm kinh doanh mà không xin phép (làm sách ảnh, in lịch…), cắt cúp ảnh để sử dụng lại; lấy lại ảnh trên mạng và không ghi tên tác giả (phổ biến ở cơ quan truyền thông, báo chí)… Hiện có một số phần mềm tra vi phạm bản quyền nhiếp ảnh nhưng cũng không đầy đủ. Hội Nhiếp ảnh TPHCM đang phối hợp Hiệp hội quyền sao chép Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền. Đồng thời đang xây dựng phần mềm cho các tác giả đăng ký bản quyền tác phẩm ảnh và có thể giao dịch mua bán ảnh, nhằm tạo thu nhập thêm cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh, góp phần phát triển tác quyền cho lĩnh vực nhiếp ảnh.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; thảo luận về thực trạng việc vi phạm bản quyền hiện nay, các giải pháp giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền, biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong quá trình hội nhập quốc tế…
Minh Khang