Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư mới, dự thảo đề cương của Bộ Tư pháp bổ sung quy định chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn 5 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định (Điều 17 dự thảo đề cương).
Không quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề
Tôi hiểu là đứng ở góc độ quản lý về mặt Nhà nước, đề xuất này hướng đến sàng lọc đội ngũ Luật sư vừa bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp Luật sư; vừa giúp cơ quan quản lý rà soát, tránh hiện tượng Luật sư chỉ có tên danh nghĩa mà không hành nghề.
Các luật sư tham gia bào chữa tại TAND TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: PLO.
Liên quan vấn đề này, tôi nhớ khi xây dựng và ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư 2001, Luật Luật sư năm 2006, cơ quan chủ trì dự thảo là Bộ Tư pháp đã đặt ra và nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận của nhiều Luật sư. Kết quả là, khi Luật Luật sư năm 2006 được ban hành và khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, thì chứng chỉ hành nghề Luật sư sẽ được cấp cho người đáp ứng đủ những điều kiện hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật mà không bị ràng buộc hay giới hạn thời hạn hiệu lực (hay giá trị về thời gian) của chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Điều này được hiểu chứng chỉ hành nghề Luật sư là một trong những điều kiện để hành nghề Luật sư; người được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư có thể bị thu hồi nếu thuộc một trong những trường hợp được quy định trong Luật Luật sư.
Hành nghề Luật sư là sự nỗ lực suốt đời
Nghề Luật sư là nghề mang đặc điểm hành nghề chuyên nghiệp, mang tính độc lập. Nghề Luật sư đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm rất cao. Vận hành trong thể chế tư pháp thống nhất nên bản thân mỗi Luật sư đều nhận thức được sứ mệnh cao quý của mình.
Không những thế, việc cố gắng giữ gìn danh dự, uy tín (thông qua Chứng chỉ hành nghề và Thẻ Luật sư được cấp) là vấn đề cốt tử của nghề Luật sư. Do đó, việc hành nghề Luật sư không thể bị giới hạn 5 hoặc 10 năm, mà là sự nỗ lực suốt cuộc đời.
Tác giả – Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ảnh: PLO.
Do không bị giới hạn thời hạn hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề Luật sư nên sau đó, Thẻ Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp cũng có giá trị vô thời hạn (khoản 11 Điều 1 Luật Luật sư, sửa đổi, bổ sung 2012).
Chính vì thế, theo tôi, chỉ cần giữ nguyên tinh thần và quy định của Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) không quy định về thời hạn hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề Luật sư và Thẻ Luật sư là đã là rất tiến bộ, không nên đặt lại vấn đề như Dự thảo quy định hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho các Luật sư không cần phải làm thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề, đồng thời sẽ bị thu hồi theo các trường hợp pháp luật đã quy định.
Luật sư Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng. Đã có quy định về thu hồi chứng chỉ Có lo ngại rằng Luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng không hoạt động thì sẽ dẫn đến ít va chạm, từ đó kéo theo chất lượng Luật sư bị giảm sút. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những quy định chi tiết cụ thể nếu như Luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng không hoạt động trong vòng 2 năm thì sẽ bị thu hồi. Do đó, theo tôi, đề xuất quy định bổ sung về thời của chứng chỉ hành nghề Luật sư là chưa cần thiết. Luật sư Phan Bạch Mai, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa. Quy định thời hạn hành nghề sẽ làm khó nhiều người Đề xuất cứ 5-10 năm phải xin phép gia hạn, thực sự làm khó cho Luật sư trong tác nghiệp. Chỉ nói riêng việc khi chứng chỉ hành nghề hết hạn, Luật sư phải đi gia hạn thì sẽ đẻ ra giấy phép con gây phiền toái. Hiện tại đã có các chế tài của Luật Luật sư, điều lệ liên đoàn, quy chế 50 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về chế tài rút thẻ, xóa thẻ Luật sư, nặng nhất là xóa tư cách Luật sư của người vi phạm rồi. Nếu vin vào lý do sợ Luật sư ảo, Luật sư có thẻ mà không hành nghề… để đẻ thêm giấy phép con như vậy là bất hợp lý. Điều này sẽ gây phiền toái cho khách hàng, vì khách hàng không được đảm bảo quyền lợi tốt nhất. Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, Hỗ trợ Luật sư của Liên đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Coi chừng nhiều hệ lụy Theo quy định hiện hành, Luật sư sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề Luật sư khi thuộc một trong các trường hợp: Luật sư không gia nhập một Đoàn Luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư; không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề Luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn Luật sư; hay bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn Luật sư… Các quy định này đã đủ chặt chẽ rồi. Theo tôi, không cần thiết phải ban hành thêm quy định về thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề Luật sư. Việc ban hành thêm quy định này sẽ đi ngược lại xu thế chung hiện nay đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính; kéo theo nhiều hệ lụy, tốn tiền ngân sách để cấp lại chứng chỉ, phải bố trí thêm nhân lực cho bộ phận chuyên ngồi kiểm tra, rà soát những chứng chỉ hết hạn. Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh. Thông lệ quốc tế mà Bộ Tư pháp đề cập là thông lệ nào? Tôi đã từng đọc, nghiên cứu một số tài liệu liên quan đến pháp luật của một số nước thì chưa thấy nước nào quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề Luật sư. Vậy thông lệ quốc tế mà Bộ Tư pháp đề cập là thông lệ nào, hiện trên thế giới có bao nhiêu nước quy định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư? Còn quy định về điều kiện hành nghề Luật sư và đạo đức nghề nghiệp của Luật sư thì hiện nay Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã quy định rất cụ thể. Bên cạnh đó, Luật Luật sư hiện hành cũng quy định rất rõ các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư; các hành vi bị nghiêm cấm. Quy định thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề không có giá trị tác động đến bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp Luật sư. Nếu chúng ta phát huy tốt vai trò của quản lý nhà nước về Luật sư kết hợp với vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư địa phương thì rất khó có tình trạng Luật sư “ảo”. Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai. Đề xuất không cần thiết Đề xuất này nếu được chấp nhận sẽ gây khó khăn cho hoạt động của Luật sư, cho cơ quan tố tụng và cả cho khách hàng sử dụng dịch vụ của Luật sư. Nếu Luật sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề mà không hành nghề thì cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của các Luật sư khác. Việc quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề Luật sư sẽ làm tốn thời gian, thủ tục phiền hà cho Luật sư cũng như cho cơ quan quản lý, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề… Đối với tổ chức hành nghề, Luật sư trưởng trưởng tổ chức hành nghề sẽ điều hành hoạt động tổ chức hành nghề như thế nào/ các hoạt động báo cáo, xuất hoá đơn, ký hợp đồng dịch vụ… Chính vì vậy, quản lý hoạt động của Luật sư chỉ cần chặt chẽ hơn là được. Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk. Quy định thời hạn nhằm khắc phục vấn đề gì? Để có được chứng chỉ hành nghề, người Luật sư đã phải trải qua nhiều thời gian, công sức và sự cố gắng; nếu có hành vi vi phạm pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp, Luật sư sẽ bị xử lý kỷ luật đến xóa tên. Thời gian qua, việc cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư đã không gây ra bất kỳ điều tiếng gì cũng như chưa có bất kỳ hậu quả nào, vậy thì quy định thời gian nhằm khắc phục vấn đề gì? Tôi cho rằng việc này chỉ làm mất thời gian cho cả đơn vị cấp giấy và người được cấp giấy, chưa nói đến việc sẽ trở thành việc xin – cho mà chúng ta đã từng lên án, thậm chí sẽ dẫn đến các hành vi tiêu cực có liên quan khác. Nói tóm lại, việc quy định thời hạn cho chứng chỉ hành nghề chỉ làm mất thời gian và không cần thiết, trong khi chúng ta đang có thừa các giải pháp quản lý hiệu quả hơn. |
Tiến sĩ, Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
(Theo PLO)