Nhà tôi lắp camera chĩa ra con hẻm sinh hoạt chung để trông giữ xe của gia đình. Camera nhà tôi đã quay được cảnh hàng xóm đánh nhau, tôi chia sẻ video này lên Facebook.
Nội dung video là cảnh người chồng chửi, bạt tai vợ, rất ồn ào. Mục đích của tôi khi đăng lên mạng xã hội là nhờ cộng đồng mạng lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, điều tra, xử lý.
Khi phát hiện video này xuất phát từ camera an ninh nhà tôi, người chồng đã qua chửi, gây gổ, yêu cầu xóa khỏi mạng xã hội, dọa sẽ kiện vì “sử dụng hình ảnh chưa được cho phép”.
Trong trường hợp này, tôi có vi phạm pháp luật không?
Luật sư tư vấn
Theo quy định hiện hành thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 32 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân nào đó thì phải được người đó đồng ý.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 21 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Những trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần được người đó có ý kiến, được quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ Luật Dân sư, bao gồm:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, với những quy định trên thì hành vi sử dụng đoạn clip ghi cảnh hàng xóm đánh nhau của bạn hoàn toàn có thể bị coi là hành vi phạm pháp luật.
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Bộ Luật Dân sự năm 2015, thì người có hình ảnh bị vi phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, người hàng xóm hoàn toàn có quyền khởi kiện bạn ra toà để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.
Trường hợp bạn có ý tốt, muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý thì cần gọi điện đến đường dây nóng, hoặc liên hệ trực tiếp UBND hoặc Công an phường, xã nơi bạn sinh sống để trình báo, tố giác sự việc. Khi đó, các cơ quan này có thể sẽ yêu cầu bạn cung cấp clip ghi lại sự việc. Bạn thực hiện theo yêu cầu này thì không bị coi là vi phạm pháp luật về quyền hình ảnh của cá nhân.
Đồng thời, người có hành vi vi phạm trong clip có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng, bạo hành, làm nhục người khác tùy thuộc vào diễn biến sự việc và nhận định của cơ quan chức năng khi điều tra làm rõ.
Luật sư Ngô Quí Linh
Giám đốc Công ty Luật Mai Đăng Khang
Nội dung tham khảo từ bài viết gốc trên Vnexpress tại đây: https://vnexpress.net/chia-se-video-hang-xom-danh-nhau-len-facebook-co-vi-pham-khong-4793127.html