(LSVN) – Ngày 02/5, Bộ Tư pháp chính thức công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, tức là sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực hiện tại.
Ảnh minh họa.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023 (cùng có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025). Đây là các Luật có tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh sống của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều Luật khác có liên quan, trong đó có Luật Đất đai.
Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động quản lý và phát triển nhà ở.
Đáng chú ý, Luật Nhà ở bổ sung hai chính sách mới được dư luận quan tâm, gồm phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Ngoài ra còn có quy định được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…
Còn Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 cũng mang nhiều nội dung mới có tính đột phá nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, Luật thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; góp phần quan trọng vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo hồ sơ thẩm định mà Bộ Tư pháp vừa công bố, tại Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1,06 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Dù nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội, song một số nơi có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết và hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cho phép hai Luật nêu trên có hiệu lực sớm từ ngày 01/7.
Cũng theo hồ sơ thẩm định, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm sẽ góp phần phát huy nguồn lực đồng bộ từ nhà ở, bất động sản, đất đai góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của doanh nghiệp, nhân dân.
Theo Trần Viễn – lsvn.vn