(PLO)- Bộ TT&TT đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định số 72/2013 và Nghị định 27/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng vừa được Bộ TT&TT công bố để lấy ý kiến.
Hướng quản lý mới được đề xuất là chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT&-TT cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).
Bộ TT&TT đã công bố sáu sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Ảnh: MINH SƠN. |
Theo nhận định của Bộ TT&TT, các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực truyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử) thì thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành. Ngoài ra, dự thảo đang đưa ra lấy ý kiến về đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.
Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
Điều 5 của dự thảo quy định các hành vi bị cấm trên mạng là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Trước đó, tại hội nghị sơ kết của Bộ ngày 30-6, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng các nội dung xấu độc được gỡ bỏ trên nền tảng mạng xã hội, nền tảng xuyên biên giới là cao nhất từ trước tới nay.
Cụ thể: Facebook đã gỡ 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; gỡ 72 tài khoản, fanpage quảng cáo vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ; gỡ 2.444 link quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp. YouTube đã gỡ 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, gỡ hơn 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tài khoản quảng cáo vi phạm bằng thuật toán tự động.
Theo PLO