(LSVN) – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ đối với quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.
Ảnh minh họa.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất 2 phương án quyền lợi cho người lao động khi đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, gồm:
– Phương án 1: Người lao động sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) và chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phần bảo hiểm thất nghiệp đóng bổ sung sẽ được chuyển sang chế độ khác của bảo hiểm xã hội nhằm tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu.
– Phương án 2: Người lao động nếu đóng dư thời gian có thể được hưởng chế độ vay ưu đãi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để duy trì cuộc sống, hưởng hỗ trợ cho nhân thân khi gặp rủi ro việc làm.
Hiện nay, nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm thì người lao động tham gia bảo hiểm chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp mà không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, cứ đóng từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thì sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì người lao động được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên tối đa không quá 12 tháng.
Theo khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 36 tháng thì số tháng đóng bảo hiểm còn lại sẽ được bảo lưu làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, dù người lao động có đi làm và đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 12 năm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động có thể nhận được cũng chỉ được 12 tháng.
Mặt khác, theo điểm a khoản 1 Điều 111 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều nãy đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía người lao động.
Bên cạnh đó, hiện này có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện các phương thức khác nhau nhằm sa thải người lao động bằng nhiều lý do và cố tình để người lao động buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất quy định người bị sa thải dù không được người sử dụng lao động tiếp nhận vẫn được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi giao kết hợp đồng. Trường hợp hợp đồng dưới 03 tháng thì người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động bảo hiểm thất nghiệp ngay ngày đầu làm việc. Đối với những người lao động từ chối nhận việc làm từ trung tâm việc làm 02 lần mà không có lý do chính đang sẽ không được xem xét bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo HUYỀN TRANG – https://lsvn.vn/de-xuat-them-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-khi-dong-bao-hiem-that-nghiep-tren-12-nam-1716189430.html