(LSVN) – Thời gian vừa qua, tình trạng một số đối tượng có hành vi mạo danh tổ chức hành nghề luật sư hay cá nhân Luật sư trên các trang mạng xã hội đang diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả xấu đối với hoạt động hành nghề luật sư nói riêng cũng như trật tự an toàn xã hội nói chung. Để đưa ra các giải pháp kịp thời cho vấn đề này, ngày 03/5, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Luật sư bị mạo danh – Thực trạng và giải pháp”.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Trưởng ban Hỗ trợ hoạt động luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Trưởng Ban Quan hệ quốc tế; Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và hỗ trợ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; cùng các Luật sư thành viên và đại diện Công an TP. Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, Luật sư Đào Ngọc Lý đã nêu ra những thực trạng liên quan đến hành vi mạo danh tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân Luật sư trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, website… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư Lý, thời gian qua, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội liên tục nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của rất nhiều tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư, cùng với đó là những công văn chuyển đơn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phản ánh về hành vi mạo danh tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân Luật sư trên các trang mạng xã hội.
Luật sư Đào Ngọc Lý phát biểu ý kiến tại buổi tạo đàm.
“Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã giao hồ sơ cho Ban Hỗ trợ hoạt động luật sư thụ lý, xem xét giải quyết. Các Luật sư đã đối chiếu các quy định của pháp luật và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Luật sư trong quá trình hành nghề. Qua tổng kết cho thấy, Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư bị mạo danh xuất hiện từ khoảng cuối năm 2023, dưới nhiều hình thức, nhiều địa bàn khác nhau”, Luật sư Đào Ngọc Lý cho biết.
Theo Luật sư Lý, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã gặp gỡ, đối thoại với Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư bị mạo danh, cũng như nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, ngày 03/11/2023, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có Công văn số 1076/CV-BCN-BHTHĐLS gửi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đề nghị xem xét và xử lý tình trạng trên.
Các cơ quan hữu quan đã vào cuộc và thống nhất giao cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội thụ lý giải quyết các vụ việc cụ thể này.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Theo báo cáo của Ban Hỗ trợ hoạt động luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, từ quý 4 năm 2023 đến nay, có 14 trường hợp là các Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư gửi đơn đề nghị xem xét việc bị mạo danh để lừa đảo, trục lợi.
Luật sư Huỳnh Phương Nam cho biết, tình trạng mạo danh Luật sư hiện nay đang rất phổ biến, nhiều người bị lừa. Tại các địa phương, cơ quan Công an đã có những cảnh báo và hướng dẫn để người dân chủ động phòng tránh.
“Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người có nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, mà còn ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của Luật sư. Vì vậy, ở góc độ Luật sư, chúng ta cùng đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp nhằm hạn chế những hành vi liên quan đến mạo danh Luật sư”, Luật sư Nam nói.
Tại tọa đàm, các Luật sư đã tích cực đóng góp ý kiến, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác và góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tình trạng lừa đảo trên không gian mạng nói chung và hành vi mạo danh Luật sư nói riêng.
Đại úy Nguyễn Tiến Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Trao đổi ý kiến tại buổi tạo đàm, đại diện Công an TP. Hà Nội, Đại úy Nguyễn Tiến Hùng cho biết, thực trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng gia tăng, gần đây có một số thủ đoạn mới, trong đó có việc mạo danh Luật sư nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trong đó phổ biến là chiếm quyền sở hữu tài khoản của tổ chức luật sư hay lập các tài khoản giả mạo danh các Luật sư, tổ chức luật sư sau đó chiếm lòng tin của người dân.
Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội cũng đã kịp thời đưa ra cảnh báo đối với người dân, hướng dẫn nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, đồng thời đấu tranh đối với loại tội phạm mới này.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Luật sư Đào Ngọc Lý hoan nghênh ý kiến đóng góp của các luật sư. Theo Luật sư Lý, các ý kiến tại tọa đàm đã tập trung và đưa ra những đề xuất giải pháp với nội dung cụ thể.
Kịp thời có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật trong việc điều tra, xác minh và xử lý sự việc.
Thường xuyên trao đổi, phối hợp với Ủy ban Giám sát và hỗ trợ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để xử lý vụ việc theo thẩm quyền nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của Luật sư khi hành nghề.
Tăng cường công tác truyền thông, cũng như việc thông báo, đăng tải trên website Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để các Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư biết thực trạng này, và có biện pháp tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo THẾ NGUYỄN – CÔNG THIỆN – lsvn.vn