(LSVN) – Chương XXIV Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp đang còn nhiều bất cập về từ ngữ, khái niệm về các hành vi… Những hạn chế, thiếu sót này sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong xử lý các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội này. Bài viết nêu ra những bất cập trong từng điều luật cụ thể và đề xuất hướng chỉnh sửa, thay đổi để những quy định này được hoàn thiện hơn.
Ảnh minh họa.
Bất cập trong quy định về chủ thể của tội phạm
(1) Tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” quy định tại Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện vẫn đang dẫn đến cách hiểu khác nhau về chủ thể của tội phạm. Theo nội dung của điều luật có thể thấy, không truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) người có tội là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp mà không khởi tố, không truy tố người mà mình biết rõ là có tội. Điều luật quy định “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu TNHS…” nên hiện còn tồn tại ý kiến cho rằng chỉ có những chủ thể có quyền đưa ra những quyết định tố tụng liên quan trực tiếp đến việc khởi tố, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố, ký cáo trạng… (như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân) mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Tuy nhiên, thực tế chủ thể (với vai trò người thực hành) của tội này có phạm vi rất rộng, bao gồm tất cả các cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, thẩm quyền trong quá trình điều tra và truy tố tội phạm. Bởi việc cố ý không giải quyết hoặc giải quyết nguồn tin trái pháp luật, tiến hành hoặc tiến hành không đúng các quy định của pháp luật trong việc điều tra, truy tố với mục đích bỏ lọt tội phạm, người phạm tội đều thỏa mãn hành vi không truy cứu TNHS người có tội. Vì vậy, chủ thể của tội phạm này bao gồm:
– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc cơ quan điều tra các cấp (cơ quan điều tra chuyên trách của Công an nhân dân, quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) khi được giao nhiệm vụ tham gia giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án hình sự;
– Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ, công chức khác thuộc Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự các cấp khi được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (Điều 164) và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư cũng có thẩm quyền điều tra đối với các tội ít nghiêm trọng và thẩm quyền khởi tố vụ án đối với tội phạm nghiêm trọng. Do đó, các chủ thể có thể phạm tội không truy cứu TNHS người có tội còn có cán bộ, công chức, người thuộc cơ quan hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các Điều 33, 34, 36 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 146) và Luật Tổ chức cơ quan điều tra (Điều 44), lực lượng công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an khi tiến hành tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu, chuyển các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật, có liên quan, lập biên bản bắt người, bảo vệ hiện trường, giải người bị bắt lên cơ quan Công an có thẩm quyền… mà có hành vi cố ý bỏ lọt tội phạm thì cũng phải chịu TNHS về tội này.
Ngoài ra, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Do đó, chủ thể của tội phạm còn có:
– Cục trưởng, Phó Cục trưởng của các cơ quan: Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các phòng nghiệp vụ an ninh thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đội an ninh ở công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, cán bộ điều tra trong các cơ quan này khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 37 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự).
– Cục trưởng, Phó Cục trưởng của các cơ quan: Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam; Cán bộ điều tra trong các cơ quan này khi được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 38 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự).
– Giám thị trại giam trong quân đội nhân dân, thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương trong các trường hợp được khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Như vậy, để xác định chính xác chủ thể của tội này đòi hỏi phải có sự chỉnh sửa về mặt ngữ nghĩa ngay trong câu từ của điều luật để bảo đảm tính logic pháp lý và chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp.
Vì vậy, kiến nghị sửa đổi khoản 1 của điều luật như sau: “Người nào có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, thẩm quyền trong quá trình điều tra và truy tố tội phạm mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” để làm rõ hơn phạm vi chủ thể của tội phạm này.
(2) Chủ thể của tội “Ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật” (Điều 372 Bộ luật Hình sự năm 2015) chưa được quy định rõ ràng. Khoản 1 quy định “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật gây thiệt hại…”.
Quy định như hiện tại chưa phân biệt rạch ròi được trường hợp nếu người ép buộc đồng thời là người tiến hành tố tụng hoặc thi hành án, thì có thể trở thành chủ thể của tội này hay không? Trên thực tế tồn tại nhiều trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát… có hành vi ép buộc cấp dưới làm trái pháp luật trong chính vụ án mà họ đang cùng giải quyết hoặc cũng có thể là vụ án mà cấp dưới đang trực tiếp giải quyết. Trường hợp này phải truy cứu TNHS đối với họ về các hành vi cụ thể tương ứng (không truy cứu TNHS người có tội, làm sai lệch hồ sơ vụ án…). Tương tự, sự chưa rõ ràng là trường hợp người ép buộc là người công tác trong các cơ quan tư pháp nhưng họ không phải là người tiến hành tố tụng hoặc thi hành án thì có thể trở thành chủ thể của tội phạm này hay không?… Do đó cần sớm có hướng dẫn để thống nhất áp dụng trên thực tế.
Theo chúng tôi, nếu người ép buộc đồng thời là người tiến hành tố tụng hoặc thi hành án, thì không phải là chủ̉ thể của tội phạm này; nếu họ công tác trong các cơ quan tư pháp nhưng họ không phải là người tiến hành tố tụng hoặc thi hành án thì vẫn có thể là chủ thể của tội phạm này.
(3) Chủ thể của tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa thể hiện được rõ những người tiến hành tố tụng khác như: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa không được giao trực tiếp giải quyết vụ án, vụ việc nhưng có hành vi thêm bớt, sửa chữa… thì có phạm tội này hay không? Khoản 1 điều luật quy định “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp… mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo…”.
Chỉnh bởi nhà làm luật sử dụng cụm từ “có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp” nên sẽ dễ gây nhầm lẫn. Có thể thấy chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt và được quy định cụ thể ngay tại khoản 1 của điều luật như: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tiến hành tố tụng khác như: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa chỉ là chủ thể của tội phạm này nếu được giao trực tiếp giải quyết vụ án, vụ việc. Nếu những người này không được giao trực tiếp giải quyết vụ án, vụ việc mà làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thì tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác.
Bên cạnh đó, quy định như hiện tại cũng chưa phân biệt được hành vi “sửa chữa, làm sai lệch các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vụ việc” với hành vi “sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn” quy định trong tội “Giả mạo trong công tác”. Trong trường hợp người phạm tội không phải là người tiến hành tố tụng trong vụ án, vụ việc, không liên quan gì đến vụ án, vụ việc cụ thể nào; những giấy tờ, tài liệu mà người phạm tội giả mạo không phải là tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vụ việc, thì người đó phạm tội “Giả mạo trong công tác” chứ không phải tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”.
Do đó, cần sớm có hướng dẫn cụ thể cho trường hợp này, đồng thời bổ sung cụm từ “được phân công giải quyết vụ án, vụ việc” vào dấu hiệu định tội để tránh gây nhầm lẫn. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều luật này theo hướng: Đối với những người tiến hành tố tụng khác như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa chỉ có thể là chủ thể của tội phạm này nếu được giao trực tiếp giải quyết vụ án, vụ việc. Nếu những người này không được giao trực tiếp giải quyết vụ án, vụ việc mà làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thì tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
(4) Hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối tại Điều 382 Bộ luật Hình sự năm 2015 như quy định của điều luật chưa phân biệt được với hành vi đồng phạm giúp sức cho hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 370) và hành vi che dấu tội phạm (Điều 389), đây là những trường hợp rất dễ gây nhầm lẫn.
Khoản 1 Điều 382 quy định: “1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt…”. Nếu những người này mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật theo yêu cầu của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án với vai trò đồng phạm. Bên cạnh đó, đối với hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối mà nội dung của lời khai và tài liệu đó nhằm có lợi cho những người thân thích là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình mà không thuộc trường hợp người thân thích của mình phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng, thì không coi là hành vi phạm tội “Che giấu tội phạm”. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 389 Bộ luật Hình sự thì người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng, không có trong Điều 382 Bộ luật Hình sự. Do đó, cần bổ sung các nội dung trên vào cấu thành cơ bản của tội phạm để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Cụ thể là cần làm rõ chủ thể của tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này trong trường hợp bản thân họ có ý chí chủ quan về việc này. Trong trường hợp cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo yêu cầu của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án với vai trò đồng phạm.
Hạn chế trong quy định về hình phạt
Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”), mức hình phạt quy định tại cấu thành cơ bản (khoản 1) bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm là chưa thực sự hợp lý. Hành vi khách quan của tội này có một dạng cụ thể đặc biệt là “hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc”. Về bản chất, đây là hành vi được quy định tại Điều 337 (tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”; tội “Chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”). Tuy nhiên, khách thể trực tiếp của Điều 375 là hoạt động đúng đắn của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, do đó tính nguy hiểm phải cao hơn so với các trường hợp xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức thông thường. Tuy nhiên, cấu thành cơ bản của Điều 337 quy định mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù (nghiêm khắc hơn so với Điều 375) là điều bất hợp lý. Để phù hợp hơn, nên tăng mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Điều 375 lên 07 năm tù.
Mức hình phạt tù quy định tại Điều 380 (tội “Không chấp hành án”): Khoản 1 (03 tháng đến 02 năm), khoản 2 (02 năm đến 05 năm) là quá nhẹ, không đủ tính răn đe và phòng ngừa chung. Thực tế cho thấy những người có nghĩa vụ chấp hành vẫn cố tình không chấp hành, có thái độ thách thức, chống đối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người được thi hành án; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội; làm cho các bản án hoặc quyết định của tòa án không được thi hành, gây bức xúc cho xã hội, gây mất niềm tin của xã hội vào các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, cần mức án nghiêm khắc hơn để bảo đảm mục đích của hình phạt. Nên sửa mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 380 thành tội rất nghiêm trọng (khoản 1 lên 07 năm tù, khoản 2 lên đến 10 năm tù). Việc quy định hai tình tiết trong cùng một điểm với mức hình phạt quy định tại điểm b khoản 3 Điều 381 (tội cản trở việc thi hành án) còn chưa hợp lý. Trong đó hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối mà dẫn đến việc kết án oan người vô tội nghiêm trọng hơn trường hợp do hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối mà dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, điều luật quy định 02 trường hợp phạm tội này trong cùng một điểm là chưa bảo đảm nguyên tắc công bằng.
Mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 383 (tội “Từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu”) chỉ là 01 năm tù là chưa hợp lý, chưa đủ tính răn đe. Mặt khác, một điều luật chỉ có duy nhất 1 khoản có hình phạt chính còn khoản 2 về hình phạt bổ sung là thiếu logic. Nên nâng mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 383 từ 01 năm tù lên 03 năm tù và thiết kế thêm những khoản khác với mức hình phạt cao hơn để phân hóa TNHS.
Hình phạt quy định tại Điều 391 (tội “Gây rối trật tự phiên tòa”) là chưa hợp lý. Nếu khoản 1 của điều luật được nhà làm luật quy định khung hình phạt nặng hơn khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với tội “gây rối trật tự công cộng” là cần thiết, thì khoản 2 của điều luật nhà làm luật chỉ quy định khung hình phạt từ 01 năm đến 03 năm tù, là tội phạm ít nghiêm trọng, trong khi đó thì khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999 và khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với tội “Gây rối trật tự công cộng” đều quy định từ 02 đến 07 năm tù. Hành vi gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp nghiêm trọng hơn hành vi gây rối trật tự công cộng, vì vậy kiến nghị sửa khoản 2 Điều 391 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù hoặc cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
|
Theo Thạc sĩ PHAN DIỆU LINH, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội – https://lsvn.vn/hoa-n-thie-n-mo-t-so-quy-di-nh-ve-to-i-xam-pha-m-hoa-t-do-ng-tu-pha-p-1689697943.html