Bài viết trình bày các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh việc đề cập đến một số thực trạng trong hoạt động giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam, tác giả kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong lĩnh vực này.
Sự gia tăng của các mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài[1] kéo theo sự xuất hiện của các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài[2]. Khi các vụ việc dân sự, thương mại loại này ngày một nhiều lên sẽ đòi hỏi các thiết chế giải quyết tranh chấp phải linh hoạt hơn và phải đáp ứng được những yêu cầu của chính các bên trong tranh chấp. Một trong số các yêu cầu đó là việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong hoạt động của các thiết chế khi giải quyết tranh chấp nói chung và hoạt động xét xử của Tòa án nói riêng.
1. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về việc áp dụng pháp luật nước ngoài
Nói đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài là nói đến áp dụng pháp luật của quốc gia không phải Việt Nam và “quốc gia” được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Quy định của BLDS 2015 về việc áp dụng pháp luật nước ngoài một cách hợp pháp tại Việt Nam chỉ diễn ra trong ba trường hợp:
Một là, khi có quy phạm xung đột trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trong luật Việt Nam dẫn chiếu đến. Theo khoản 1 Điều 664 BLDS 2015, pháp luật nước ngoài có thể được áp dụng theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo pháp luật Việt Nam. Đây là trường hợp có sự quy định của quy phạm xung đột thống nhất trong điều ước quốc tế hay quy phạm xung đột trong nước mà Việt Nam ban hành dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài.
Hai là, các bên tham gia trong quan hệ có thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, nếu như thỏa thuận này đáp ứng được các điều kiện chọn luật. Khoản 2 Điều 664 BLDS 2015 quy định: “trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên”. Như vậy, theo BLDS 2015, quyền chọn luật được mở rộng ở bất kỳ lĩnh vực nào chứ không hạn chế nếu điều ước quốc tế hoặc luật Việt Nam có quy định. Điều này hoàn toàn thỏa đáng đối với lợi ích của các bên tham gia những mối quan hệ dân sự như thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng… và phù hợp với xu hướng của Tư pháp quốc tế của các quốc gia tiên tiến trên thế giới về quyền chọn luật [3].
Ba là, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam không có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến, các bên cũng không có thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài nhưng pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền áp dụng khi chứng minh được đây là nguồn luật thể hiện mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài[4]. Áp dụng pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là nhà làm luật Việt Nam đã tiếp thu về thuật ngữ và sử dụng kiến thức của tư pháp quốc tế Common law và luật của Liên minh châu Âu để giải quyết xung đột pháp luật. Thông thường mối liên hệ gắn bó nhất này thường được thể hiện ở việc gắn kết gần gũi nhất với một mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể[5].
Có thể thấy rằng điều quy định trong BLDS 2015 được coi là tiền đề cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài cho các mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung. Ngoài ra, đối với các quan hệ pháp luật chuyên ngành khác có yếu tố nước ngoài như quan hệ thương mại, hàng hải, hàng không dân dụng, hôn nhân và gia đình, đầu tư,… nhà làm luật cũng xây dựng những điều quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong các đạo luật chuyên ngành tương ứng như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng,…
Những nội dung nói trên được coi là điều kiện cần để pháp luật nước ngoài có thể được áp dụng bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện đủ để pháp luật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam là không rơi vào các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài. Những trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài được ghi nhận ở Điều 670 BLDS 2015:
Trường hợp thứ nhất, hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam[6]. Thuật ngữ “các nguyên tắc cơ bản” của pháp luật Việt Nam tuy không được giải thích một cách cụ thể trong BLDS 2015 nhưng tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại có quy định rõ: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
Trường hợp thứ hai là nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng[7]. Liên quan đến quy định này là quy định tại BLTTDS 2015, Điều 481 về trách nhiệm xác định, cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài. Theo đó, các đương sự được quyền lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đó cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo sự dẫn chiếu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đương sự có quyền cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài cho Tòa án còn Tòa án thì có thể yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp pháp luật nước ngoài. Ngoài ra có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt nam hay nước ngoài khác cung cấp những thông tin này. Trong trường hợp hết thời hạn 06 tháng mà không tìm thấy thông tin về pháp luật nước ngoài thì pháp luật Việt Nam được áp dụng[8].
Có thể thấy, các quy định pháp luật trong các luật chung hay các đạo luật chuyên ngành nói trên được coi là những cơ sở pháp lý vững chắc cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong quá trình xét xử của Tòa án Việt Nam.
2. Thực trạng áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án Việt Nam
Đầu tiên phải nói đến là trong khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Tòa án thấy rằng các vụ việc dân sự đó chỉ áp dụng pháp luật Việt Nam. Nếu căn cứ vào nội dung tranh chấp thì thấy rằng nội dung các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài chủ yếu liên quan đến các vấn đề sau đây: quyền sử dụng đất tại Việt Nam, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam, thừa kế tài sản tại Việt Nam và ly hôn. Như vậy đối với các loại tranh chấp này thì Tòa án bắt buộc phải áp dụng pháp luật Việt Nam. Việc áp dụng pháp luật Việt nam là phù hợp với nguyên tắc xử lý tranh chấp bất động sản. Đối với vấn đề ly hôn thì thấy rằng các đương sự trong vụ án ly hôn đa phần là giữa người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài. Như vậy việc áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết vấn đề ly hôn nêu trên là đúng với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam là thành viên[9].
Điều thứ hai, liên quan đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài theo sự lựa chọn của các bên. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể về các điều kiện chọn luật để pháp luật nước ngoài được áp dụng. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền tự do ý chí của các bên – một nguyên tắc cơ bản trong những mối quan hệ mang bản chất dân sự.
Điều thứ ba, trong thực tiễn áp dụng pháp luật nước ngoài trong quá trình xét xử của Tòa án liên quan đến việc xác định nội dung pháp luật được ngoài được cung cấp. Pháp luật nước ngoài khi được các chủ thể cung cấp theo quy định của BLTTDS 2015 thì phải xác định đó là “chứng cứ” của vụ án hay là “nguồn luật” để áp dụng. Nếu coi pháp luật nước ngoài là chứng cứ thì trách nhiệm cung cấp chứng cứ sẽ thuộc về các đương sự theo đúng các nguyên tắc của luật tố tụng. Tuy nhiên BLTTDS 2015 chỉ quy định nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài thuộc về các đương sự khi mà pháp luật nước ngoài áp dụng trong quan hệ đó là do chính các bên lựa chọn. Còn các trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng từ sự dẫn chiếu của quy phạm xung đột hay với tư cách là luật có mối liên hệ mật thiết nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì các đương sự không có nghĩa vụ cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài mà có quyền làm điều này. Trách nhiệm tìm hiểu thông tin pháp luật nước ngoài lúc này lại thuộc về Tòa án. Đối với trường hợp pháp luật nước ngoài được coi là nguồn luật thì lại đặt ra vấn đề cần phải xem xét toàn bộ hệ thống pháp luật của quốc gia đó nếu muốn áp dụng. Cách hiểu này tạo ra khó khăn lớn cho Tòa án vì phải có hiểu biết sâu sắc về pháp luật nước ngoài mới có thể áp dụng được.
Thêm nữa, mặc dù BLTTDS 2015 đã có quy định về quyền của Tòa án có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức khác phối hợp trong việc tìm hiểu và cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài nhưng lại chưa có quy định cụ thể về việc xác định chủ thể nào sẽ chịu trách nhiệm chi trả kinh phí để làm điều này.
Ngoài ra, việc xác định tính hợp pháp của văn bản, tài liệu chứa nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 481 BLTTDS 2015 thì đương sự phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nội dung pháp luật nước ngoài mà đương sự cung cấp cho Tòa án. Như vậy, đối với các tài liệu mà đương sự tìm kiếm trên mạng nhưng không phải từ những nguồn dữ liệu chính thống hay các văn bản, tài liệu mà đương sự cung cấp cho Tòa án không đủ điều kiện để thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự thì sẽ khó có thể được chấp nhận là tài liệu phục vụ cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong quá trình xét xử của Tòa.
Về việc dịch thuật văn bản, tài liệu có chứa đựng nội dung pháp luật nước ngoài. Theo đó đương sự phải gửi văn bản, tài liệu có chứa nội dung pháp luật nước ngoài và bản dịch ra tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch về nội dung pháp luật nước ngoài đó, thì Tòa án mới công nhận[10]. Tuy nhiên, việc dịch thuật có thể đặt ra rất nhiều vấn đề, nhất là khi nội dung của pháp luật nước ngoài không có bản tiếng Anh mà chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ duy nhất không phổ biến. Hơn nữa, chất lượng dịch các tài liệu không phải lúc nào cũng đạt yêu cầu, bởi việc dịch thuật các tài liệu loại này đòi hỏi không chỉ người dịch có hiểu biết ngôn ngữ mà còn phải có kiến thức về khoa học pháp lý thì mới có thể sử dụng đúng các thuật ngữ phù hợp. Trên thực tế việc dịch sai, dịch thiếu là điều khó tránh khỏi. Thậm chí cùng nội dung pháp luật nước ngoài nhưng các đương sự cung cấp bản dịch ra tiếng Việt có nội dung khác nhau.
Vấn đề này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài của Thẩm phán khi xét xử. Vì nếu như không có hiểu biết về ngoại ngữ để tự mình tìm hiểu thì Thẩm phán sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào những nội dung dịch thuật này. Nếu chất lượng dịch thuật kém thì sẽ không bảo đảm yêu cầu đặt ra của việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Xa hơn nữa là việc phụ thuộc vào tài liệu được cung cấp để áp dụng pháp luật nước ngoài rất có thể sẽ làm mất đi tính chất độc lập của Thẩm phán khi xét xử.
Việc áp dụng pháp luật nước ngoài có thể làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án do mất thời gian để thu thập nội dung pháp luật nước ngoài. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của Tòa án nói chung.
3. Một số giải pháp đối với việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong hoạt động giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của Tòa án
Thứ nhất, cần bổ sung quy định về điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp các bên có thỏa thuận chọn luật. Pháp luật Việt Nam thừa nhận quyền tự do chọn luật của các bên để áp dụng cho một số các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là cách quy định phù hợp với pháp luật của các nước trên thế giới cũng như tôn trọng nguyên tắc tự do ý chí giữa các bên. Tuy nhiên, để quyền chọn luật của các bên thực sự phát huy hiệu lực trên thực tế và để pháp luật nước ngoài có khả năng cao được các Thẩm phán Việt Nam áp dụng thì nhà làm luật Việt Nam cần ban hành các quy định chi tiết về điều kiện chọn luật đối với các bên trong các quan hệ được phép chọn luật. Sự quy định rõ ràng về các điều kiện chọn luật vừa tạo thuận lợi cho Thẩm phán có căn cứ áp dụng pháp luật nước ngoài cũng như có căn cứ từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không thỏa mãn các điều kiện đặt ra.
Thứ hai, cần làm rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài cũng như điều kiện hình thức của pháp luật nước ngoài được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba, cần quy định những hướng dẫn cụ thể để giúp Tòa án xác định nội dung pháp luật nước ngoài như xây dựng các website về thông tin pháp luật nước ngoài, phối hợp với các chuyên gia hoặc các cơ sở đào tạo Luật về tìm hiểu nội dung của pháp luật nước ngoài,… Tại Trung Quốc, TANDTC trong nỗ lực giúp các Thẩm phán có thể hiểu rõ hơn về pháp luật nước ngoài đã tiến hành thiết lập một nền tảng một cửa cho mục đích xác định pháp luật nước ngoài trong đó có việc thành lập các tổ chức cung ứng pháp luật nước ngoài chuyên nghiệp. TANDTC đã thiết lập quan hệ hợp tác với năm cơ quan thông tin về pháp luật nước ngoài ở Trung Quốc và đương sự có thể trực tiếp nộp đơn cho các cơ quan này để được cung cấp bằng chứng chứng minh về pháp luật nước ngoài.
Ví dụ: Trung tâm nghiên cứu và minh chứng pháp luật nước ngoài tại Đại học khoa học chính trị và pháp luật Trung Quốc là sự liên kết của phân tòa dân sự số 4 TANDTC và Đại học khoa học chính trị và pháp luật Trung Quốc được trao quyết định thành lập từ năm 2014 và đi vào hoạt động từ năm 2015. Trung tâm này ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu về pháp luật nước ngoài tại Trung Quốc thông qua cung cấp các dịch vụ: 1) Xây dựng cơ sở về dịch vụ dữ liệu pháp luật nước ngoài; 2) Cung cấp tư vấn pháp luật nước ngoài cho hệ thống Tòa án; 3) Đào tạo tư pháp về nghiệp vụ tiếp cận và nghiên cứu pháp luật nước ngoài; 4) Đồng tổ chức với TANDTC các nghiên cứu cải cách về việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ dân sự và thương mại. Trung tâm có cơ cấu hơn 20 nhân sự đến từ các trường đại học trong và ngoài nước và là những chuyên gia có kinh nghiệm về các hệ thống pháp luật khác nhau[11].
Đối với trường hợp của Việt Nam, cần khuyến khích các đơn vị nghiên cứu khoa học pháp lý hay luật so sánh dịch thuật và công bố các quy phạm pháp luật chủ chốt của một số hệ thống pháp luật có ảnh hưởng thường xuyên tới giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài. Cần phát triển các đơn vị nghiên cứu luật so sánh để có thể cung cấp các thông tin về pháp luật nước ngoài cho hệ thống Tòa án Việt Nam khi cần thiết. Hiện nay có rất nhiều mô hình các trung tâm, chủ yếu là trong khuôn khổ các trường Đại học hoặc hợp tác với nước ngoài. Ngoài ra, về phía TANDTC có thể mở rộng hợp tác với các hệ thống Tòa án các nước trên thế giới trong việc trao đổi thông tin pháp luật và thực tiễn xét xử, hỗ trợ đào tạo thêm kiến thức pháp luật nước ngoài cho thẩm phán.
Cuối cùng, để tạo được sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, cần đẩy nhanh xây dựng án lệ đối với việc áp dụng pháp luật nước ngoài tương tự như việc TANDTC đã ban hành Án lệ số 13/2017/AL về việc áp dụng pháp luật quốc tế trong giải quyết vụ việc dân sự.
[1] Khoản 2 Điều 663 BLDS 2015
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
[2] Khoản 2 Điều 464 BLTTDS 2015
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
[3] Đỗ Thị Mai Hạnh, Chương 8: Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Sách “Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự” – TS. Đỗ Văn Đại chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2016, tr.595.
[4] Khoản 3 Điều 664 BLDS 2015.
[5] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.226.
[6] Điểm a khoản 1 Điều 670 BLDS 2015.
[7] Điểm b khoản 1 Điều 670 BLDS 2015.
[8] Điều 481 BLTTDS 2015.
[9] Lê Mạnh Hùng, Vụ hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, Vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài trong giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án Việt Nam, Tài liệu Hội thảo “Điều kiện cần và đủ để áp dụng pháp luật nước ngoài trong xét xử dân sự tại Tòa án Việt Nam”, Hà Nội ngày 01/12/2020, tr.203.
[10] Điểm a khoản 1 Điều 478 BLTTDS 2015.
[11] Ngô Kim Hoàng Nguyên, Nguyễn Lê Hoài, Áp dụng pháp luật nước ngoài theo Tư pháp quốc tế Trung Quốc, Tài liệu Hội thảo “Điều kiện cần và đủ để áp dụng pháp luật nước ngoài trong xét xử dân sự tại Tòa án Việt Nam”, Hà Nội ngày 01/12/2020, tr.153.