(LSVN) – Mới đây, Bộ Tư pháp đăng tải lấy ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư. Trong đó, nội dung sửa đổi về “quy định Chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn 05 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn/cấp lại khi đủ điều kiện quy định” đang được giới Luật sư quan tâm và trình bày ý kiến, quan điểm.
Ảnh minh họa.
Bộ Tư pháp cho rằng, quy định trên “vừa bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế đều có quy định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư và đảm bảo công cụ quản lý Nhà nước, sàng lọc đội ngũ Luật sư, bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp Luật sư, đồng thời sẽ giúp rà soát tránh hiện tượng Luật sư “ảo” không hành nghề”.
Thực tế, tuỳ từng điều kiện để trở thành Luật sư và hình thức hành nghề Luật sư mà các quốc gia có quy định khác với thời hạn Chứng chỉ hành nghề Luật sư (hay tên gọi khác phụ thuộc quy định mỗi quốc gia), không quốc gia nào giống quốc gia nào. Ở Mỹ, Giấy công nhận Luật sư và cho phép hành nghề có giá trị vĩnh viễn; Ở Thái Lan, Giấy phép hành nghề có giá trị cả đời nếu người được cấp đã nộp mức lệ phí áp dụng cho tư cách thành viên cả đời; Ở Anh, Chứng chỉ hành nghề của Luật sư tranh tụng cũng không có thời hạn; Ở Pháp, Chứng chỉ xác nhận khả năng hành nghề Luật sư cũng không có thời hạn… Như vậy, xét trên yếu tố thông lệ quốc tế, hoàn toàn không có bất kỳ thông lệ nào đối với việc ấn định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư.
Nếu để tăng cường công cụ quản lý Nhà nước, sàng lọc đội ngũ Luật sư, bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp Luật sư thì các quy định pháp luật hiện này đã đủ để thực hiện. Việc ấn định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề không giải quyết được vấn đề này, Luật Luật sư hiện hành đã quy định cụ thể về những trường hợp Luật sư bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề Luật sư (Điều 18, Luật Luật sư 2006; khoản 9, Điều 1, Luật Luật sư sửa đổi 2012) và việc thu hồi này thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Việc quản lý Nhà nước đối với Luật sư vốn dĩ vẫn đang được Bộ Tư pháp thực hiện, do đó, nếu nói rằng giới hạn thời hạn của Chứng chỉ hành nghề làm tăng cường công cụ quản lý Nhà nước là không phù hợp. Đồng thời, Luật sư muốn hành nghề phải gia nhập một Đoàn Luật sư, được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư. Ngoài Bộ Tư pháp, Luật sư hoạt động chịu sự quản lý, giám sát của Đoàn Luật sư nơi họ là thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Luật sư hoạt động phải tuân thủ bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Một khi vi phạm, Luật sư đều phải chịu những chế tài theo quy định.
Hơn hết, sản phẩm do Luật sư cung cấp và thực hiện là loại hình dịch vụ, chính người sử dụng dịch vụ pháp lý là người quyết định họ có sử dụng dịch vụ của Luật sư hay không, Luật sư giải quyết vụ việc có hiệu quả hay không, họ chính là người sàng lọc Luật sư tốt nhất. Luật sư không sống được với nghề thì chính họ bị đào thải hoặc lựa chọn chuyển nghề.
Cuối cùng, Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định thời hạn Chứng chỉ hành nghề Luật sư có thể rà soát, tránh hiện tượng Luật sư “ảo” không hành nghề là việc làm không cần thiết. Hiến pháp 2013 quy định “công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”, điều này đã được cụ thể hoá tại Bộ luật Lao động khi mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm. Pháp luật cũng không quy định giới hạn việc công dân được cấp bao nhiêu chứng chỉ hành nghề trong suốt cuộc đời. Do vậy, việc lựa chọn trở thành Luật sư hay bất ngành nghề nào khác là quyền tự do, được pháp luật bảo vệ. Nếu cho rằng số lượng Luật sư “ảo” không hành nghề sẽ làm giảm uy tín nghề thì chính Luật sư cũng tự hạn chế, giới hạn bản mình khi không tham gia vào các vụ, việc, không hành nghề thật sự không thể hiện được năng lực hoặc hành nghề yếu kém thì chính xã hội sẽ đào thải họ. Ngoài ra, người có Chứng chỉ hành nghề Luật sư mới chỉ đáp ứng điều kiện cần, để trở thành Luật sư và có thể hành nghề, họ cần điều kiện đủ là Thẻ Luật sư, khi đó họ mới được công nhận là Luật sư và hành nghề hợp pháp.
Hiện nay, những ngành nghề mà Nhà nước quy định người hoạt động trong ngành nghề ấy phải có Chứng chỉ hành nghề, tuỳ thuộc vào loại ngành nghề và đặc tính khác nhau, Nhà nước cũng có quy định về thời hạn hiệu lực của chứng chỉ hành nghề khác nhau. Chứng chỉ hành nghề dược, Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, Chứng chỉ hành nghề đấu giá,… đều không quy định thời hạn. Việc không quy định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề là phù hợp chung với xu hướng phát triển của xã hội, không làm gián đoạn đến hoạt động nghề nghiệp của người hành nghề. Việc gia hạn thời hạn hay cấp lại chỉ làm tăng thêm các thủ tục hành chính không cần thiết đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Luật sư do Nhà nước quản lý nhưng không thuộc biên chế Nhà nước, không phải cán bộ công chức, không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước… Chứng chỉ hành nghề mang tính chất dân sự, hoạt động cá nhân hoặc trong tổ chức hành nghề tương tự doanh nghiệp nên không thể và không nên giới hạn thời hạn Chứng chỉ hành nghề, điều này chỉ gây khó khăn cho người hành nghề luật.
Luật sư BÍCH PHƯỢNG
TAT Law Firm
https://lsvn.vn/quy-dinh-thoi-han-cua-chung-chi-hanh-nghe-luat-su-co-can-thiet-1717067175.html