Chiều 2-8, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc để nghe báo cáo về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhiều nội dung lớn còn ý kiến khác nhau
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay sau khi tiếp thu hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Kinh tế của QH cùng các cơ quan liên quan đã có bước chỉnh lý khá căn bản để trình QH thảo luận tại kỳ họp thứ năm vừa qua.
Sau kỳ họp, Ủy ban Kinh tế cùng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan tổ chức các buổi làm việc để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Chủ tịch QH nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu của buổi làm việc là nghe báo cáo, cho ý kiến để chắt lọc các nội dung cần được tiếp tục xin ý kiến, sao cho có bản dự thảo Luật Đất đai tốt nhất trình QH tại kỳ họp thứ sáu tới đây.
Báo cáo về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho hay lần sửa đổi này để bảo đảm tính rõ ràng, khả thi của chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cạnh đó, rà soát thu hẹp nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy định liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn như đại biểu QH phản ánh.
Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đặt ra yêu cầu quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉnh sửa các quy định để làm rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận QSDĐ hoặc đang có QSDĐ…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thông tin thêm hiện có một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, như về phân loại đất, quy định về Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với thuê đất…
Một số nội dung khác cũng chưa có sự đồng thuận cao, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiêu chí thu hồi và đấu giá QSDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Hay như quy định về mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho quỹ phát triển đất; quy định liên quan đến thu hồi đất; về áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất và một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai…
Có nên bổ sung phương pháp thặng dư khi định giá đất?
Thời gian qua, Ủy ban Kinh tế của Ủy ban Thường vụ QH liên tiếp tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những vấn đề rất được quan tâm nhưng có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc định giá đất.
Dự thảo luật quy định các phương pháp định giá đất gồm: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Ngoài ra, dự thảo nêu hai phương án là quy định phương pháp thặng dư hoặc bỏ phương pháp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết hiện có một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, như về phân loại đất, quy định về Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai…
Nêu ý kiến, đại biểu QH (Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội) Nguyễn Trúc Anh đánh giá phương pháp đơn giản nhất, tốt nhất là phương pháp hệ số điều chỉnh.
“Chúng ta sẽ dùng các loại biện pháp để cuối cùng thống nhất đến một loại giá, chống giao dịch ngầm là dần dần chúng ta có thể kiểm soát được (giá đất). Giá này sẽ là đầu vào cho tất cả nhà đầu tư để họ tính toán lợi nhuận, lỗ, lãi. Giá thị trường này bắt buộc Nhà nước phải can thiệp để có tính định hướng, kiểm soát được, “không thể nhảy múa”” – ông Trúc Anh nói.
Đánh giá về phương pháp thặng dư, ông Trúc Anh cho biết: “Hôm nay tự dưng một ông hứng lên trả tiền cao ngất ngưởng, chúng ta có biện pháp gì? Thế là mọi thứ đình lại hết, không ai dám giao, không ai dám làm gì cả”.
Ông Trúc Anh cũng gợi ý nên học tập nước láng giềng Trung Quốc, đưa ra một phương pháp tính đơn giản, dễ hiểu, mang tính dự báo, mang tính dài hạn để các nhà đầu tư tính toán đầu tư.
Trong khi đó, một đại biểu QH khác cũng của Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội là ông Hoàng Văn Cường lại đề nghị không nên bỏ phương pháp thặng dư, thậm chí đó phải là phương pháp phổ biến. Trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa…, phần lớn quỹ đất đai đưa vào phát triển nằm ở nhóm “thay đổi mục đích” và phải sử dụng phương pháp thặng dư, tính xem hôm nay sử dụng thế này, tương lai phát triển thì giá trị ra sao?
Ông Cường khẳng định cá nhân ông không phản đối phương pháp hệ số điều chỉnh. Tuy nhiên, luật đang quy định bảng giá đất tới đây phải công bố hằng năm, điều chỉnh kịp thời và phải sát với giá trị thị trường. “Khi bảng giá đất đã sát với giá thị trường thì hệ số không còn ý nghĩa” – ông Cường nói.
Dự án “quan trọng bậc nhất” của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết buổi làm việc để tiếp tục nghe báo cáo và cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án “quan trọng bậc nhất” trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ QH khóa XV, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách, trước khi trình QH tại kỳ họp thứ sáu diễn ra vào tháng 10.