Tổ chức hành nghề công chứng có thể chọn cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, người dân có quyền chọn công chứng truyền thống hay công chứng điện tử khi thực hiện giao dịch.
(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 20/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Văn phòng công chứng tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình Công ty hợp danh. Do đó, tại các địa bàn này, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Với sự lựa chọn này sẽ tạo điều kiện và khuyến khích Công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng tại các địa bàn này phù hợp với năng lực, yêu cầu của Công chứng viên.
Góp ý về bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung quy định “thời hiệu đối với bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng được áp dụng như quy định về thời hiệu tại Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng dân sự. Theo luật sư, cần phải có quy định về thời hiệu để đảm bảo sự ổn định cuộc sống, tâm lý của công chứng viên đã thực hiện hoạt động công chứng. Đồng thời, quy định thời hiệu để đảm bảo trật tự pháp luật trong cung cấp dịch vụ giữa tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên với khách hàng.
Đối với quy định chuyển tiếp, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, quy định về công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng được tiếp tục hành nghề công chứng kể từ ngày luật này có hiệu lực pháp luật nhưng đề nghị thời hạn là 3 năm thay vì 2 năm, vì hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam trên 73 tuổi.
Góp ý về lưu trữ hồ sơ công chứng, một số ý kiến cho rằng, tổ chức hành nghề công chứng có thể chuyển đổi hồ sơ công chứng giấy thành dạng thông điệp dữ liệu để lưu trữ tại tổ chức hành nghề công chứng thực hiện Văn bản công chứng. Thời gian lưu trữ bản gốc Văn bản công chứng theo thời hạn qui định, các giấy tờ khác lưu trữ trong thời hạn ít nhất 10 năm.
Góp ý về việc quy định cụ thể các giao dịch phải công chứng, đại biểu Nguyễn Thành Băng, đại diện Sở Tư pháp TP cho rằng, hiện nay, việc quy định các loại giao dịch phải công chứng đang được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau gây khó khăn cho người dân trong việc áp dụng pháp luật vì khó có thể biết được đầy đủ giao dịch nào phải được công chứng, giao dịch nào không nhất thiết phải công chứng. Do đó, để tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu công chứng giao dịch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế việc lạm dụng, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Do vậy, đề xuất Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
Về địa điểm công chứng, dự thảo quy định công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng khi người yêu cầu công chứng không thể đi lại được vì lý do sức khỏe, các đại biểu cho rằng, quy định này cần được cân nhắc, xem xét thêm, bởi việc xác định sức khỏe của người yêu cầu công chứng ở tình trạng, mức độ như thế nào, dẫn đến không thể đi lại được trên thực tế sẽ khó xác định và không có cơ sở rõ ràng. Do vậy, nếu thừa nhận quy định trên, không có quy định cụ thể, chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng công chứng viên thực hiện công chứng ngoài trụ sở tùy tiện, dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
Về công chứng điện tử, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu việc quy định nguyên tắc khi có các điều kiện để thực hiện công chứng điện tử tại địa phương; tổ chức hành nghề công chứng có thể chọn cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, người dân có quyền chọn công chứng truyền thống hay công chứng điện tử khi thực hiện giao dịch.
Theo Long Hồ – thanhuytphcm.vn