(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 23/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 16 điều được bố cục thành 5 phần, 1 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em. Các quy định của dự thảo Luật đã thể hiện đường lối nhất quán của Đảng về ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được ghi nhận trong nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn nghiêm khắc; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia, cũng như vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng còn chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao; chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm NCTN; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp NCTN…
Góp ý về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN, các đại biểu cho rằng, nhiều trẻ em chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm. Đặc biệt, khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, dễ để lại những tổn thương lâu dài, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế. Đáng lưu ý, một tỷ lệ lớn NCTN vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, là nguyên nhân xã hội trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của NCTN. Do vậy, Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành, để từ đó thiết lập các nguyên tắc xử lý, chế định hình phạt, thủ tục tố tụng, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với đặc điểm của NCTN; cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến NCTN phạm tội.
Góp ý về thủ tục tố tụng đối với NCTN là người bị hại và người làm chứng, có ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật về thủ tục tố tụng đặc thù đối với NCTN là người bị hại và người làm chứng, như: hạn chế tiếp xúc giữa người bị hại, người làm chứng với bị cáo; hạn chế triệu tập người bị hại, người làm chứng đến tòa án; việc khám thân thể, chụp ảnh vết thương phải bảo đảm quyền riêng tư; được trợ giúp pháp lý miễn phí; sau thời gian 17 giờ, không dẫn giải người dưới 16 tuổi; quy định người bị hại được hỗ trợ về bồi thường, chi phí khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Góp ý về hình phạt áp dụng đối với NCTN, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Nguyễn Tăng Minh cho rằng, NCTN phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt với mỗi tội phạm như: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn. Tuy nhiên, hình phạt tiền phải cân nhắc, vì trẻ không có tiền. Theo đồng chí Nguyễn Tăng Minh, gia đình cha, mẹ có thể nộp tiền thế. Do vậy, cần phải đưa vào dự thảo Luật. Đồng thời, chỉ phạt tiền tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Không phạt tiền tội đặc biệt nghiêm trọng.
Góp ý về điều kiện cơ sở vật chất của trường giáo dưỡng, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, theo dự thảo quy định, trường giáo dưỡng phải bảo đảm có các khu vực nhà ở, học tập, giải trí sinh hoạt chung và được bố trí, thiết kế phù hợp với NCTN. Buồng ở trong khu vực nhà ở phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường. Diện tích chỗ nằm tối thiểu cho mỗi trẻ em là 25m2. Bên cạnh đó, cần bổ sung là phải có khu vực vệ sinh. Đối với điều kiện vật chất của trại giam, Luật sư Trương Thị Hoà đề nghị bổ sung khu vực vệ sinh.
Góp ý về thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN, các đại biểu cho rằng, trường hợp NCTN phạm tội an ninh quốc gia mà cần giữ bí mật điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định để luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng sau khi có quyết định khỏi tố bị can.